Cảng Quốc Tế Cái Mép Lọt Top 11 Cảng Container Hiệu Quả Nhất Thế Giới

Ngày 25/5, Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – Chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub Port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.

Cảng quốc tế Cái Mép bất ngờ được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo kiểu tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật, trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).

Cảng Quốc Tế Cái Mép Lọt Top 11 Cảng Container Hiệu Quả Nhất Thế Giới

Đặc biệt, cảng Cái Mép đứng trên 3 cảng Hub trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31) và Hồng Kông (thứ 38). Thậm chí, Cái Mép còn đứng cả trên cảng Nhật Yokohama (thứ 12) – một cảng danh giá thường có năng suất bốc xếp cao nhất thế giới.

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là một trong số các cảng thuộc cụm cảng Cái Mép có đóng góp chính để cụm cảng đạt thứ hạng trên. CMIT được thành lập ngày 26/1/2007 trên cơ sở liên doanh giữa Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – CTCP Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch. Đây là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 48 ha.

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT)

CMIT có cầu cảng dài 600 mét, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ…

Theo thông tin từ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tại CMIT đạt khoảng 20%/năm.Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, hàng hóa container qua CMIT đạt khoảng hơn 3 triệu Teus, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 2,89 triệu Teus).

Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2021. Trong 370 cảng, các cảng khu vực Trung Đông chiếm các vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, điểm sáng của Chỉ số CPPI chính là các cảng Đông Á và Đông Nam Á, do sản lượng xuất khẩu gia tăng đột biến trong thời gian dịch bệnh.

Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc & dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Hai yếu tố khác cũng được tính toán trong chỉ số là yếu tố tàu lớn có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn và yếu tố công nghệ thông tin & số hoá.

cảng Cái Mép

Trước báo cáo chỉ số CPPI năm 2021 và tin cảng Cái Mép xếp thứ 11 trong tổng số 370 cảng container cửa ngõ xuất nhập khẩu và Hub trung chuyển toàn cầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT và ngành hàng hải Việt Nam rất tự hào khi cảng nước sâu Cái Mép đứng top đầu tiên các cảng hiệu quả nhất trên thế giới.

“Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong nửa sau năm 2021, nhưng Cái Mép vẫn mở cửa hoạt động an toàn, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy.

Điều đó cho thấy nỗ lực của cả cộng đồng Cái Mép gồm Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, các bến cảng Cái Mép, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, hải quan, biên phòng, cũng khẳng định thêm thương hiệu Cái Mép trên trường quốc tế”, Thứ trưởng chia sẻ.

Việc đánh giá xếp hạng các cảng container là việc làm có ý nghĩa khi vận tải biển là xương sống của thương mại toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng sản xuất.

cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải

Hiện nay, trên 60% giá trị hàng hóa thương mại toàn cầu được chuyên chở bằng container đi qua các cảng biển. Chưa kể, tình hình biến động do Covid-19 năm 2021 dẫn tới việc tắc nghẽn cảng biển và đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi thế, điều này không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà xuất nhập khẩu, các hãng tàu, các bên cung cấp dịch vụ Logistics, còn tới các nhà hoạch định chính sách của các chính phủ và các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng.