Kỷ lục xuất nhập khẩu và những ẩn số cho năm 2023

Năm 2022, xuất nhập khẩu Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới khi lần đầu tiên cán mốc 732 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu năm 2023 sẽ còn là một ẩn số khó lường khi xuất hiện bối cảnh mới.

Xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp

Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây là lần đầu kim ngạch XNK Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2021.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, xuất khẩu của chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm cải thiện; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Năm 2023 – đơn hàng sụt giảm mạnh, xuất hiện bối cảnh mới

Cho rằng kết quả XNK của chúng ta ghi nhận con số rất tích cực với các kỷ lục mới, tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, bối cảnh mới hiện nay là có nhiều khó khăn và biến động, những tác động tiêu cực chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo ông Hải, hiện nay, theo thông tin sơ bộ đánh giá từ một số ngành hàng, thì tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng, như dệt may, da giày… Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống. Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động. Điều này thể hiện rõ tình hình sụt giảm đơn hàng từ thị trường xuất khẩu thời gian tới.

Không chỉ vậy, ông Trần Thanh Hải cho hay, bối cảnh năm 2023 cũng sẽ có những điểm khác so năm 2022 và những năm trước đây. Tại thời điểm này, tình hình Covid-19 đã giảm bớt những tác động đến kinh tế, tuy nhiên, những biến động chính trị, căng thẳng chính trị leo thang, kéo theo sự cạnh tranh giữa các nước lớn… gây nên trạng thái suy thoái và lạm phát, ảnh hưởng đến cả chúng ta.

Một điểm nữa Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu lưu ý, đó là thời điểm hiện nay, yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Điều đó cũng phản ánh vào vấn đề sản xuất và thương mại hàng hóa. Thí dụ, tiêu chuẩn về xanh hóa các sản phẩm. Đặc biệt, ngay trong các sản phẩm về tiêu dùng cũng đặt ra yêu cầu xanh hóa rất cao. “Điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng!”, ông Hải nói và đánh giá, dù yêu cầu này có thể mới tác động đến một số nhóm doanh nghiệp lớn, nhưng những doanh nghiệp này lại có tác động đến thị trường, buộc những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam chúng ta cũng chịu tác động. Đây là đặc điểm chúng ta cần lưu ý.

Yếu tố mới khác liên quan đến thị trường, đó là việc một số thị trường hiện nay như EU dự kiến áp thêm các dòng thuế mới liên quan đến môi trường, gọi là thuế carbon. Vấn đề có thể được hiểu là, sản phẩm nào tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc không có giải pháp trung hòa phát thải thì phải chịu thêm sắc thuế. Lúc đó, tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Đây là yếu tố rất mới, các doanh nghiệp cần lưu ý, nghiên cứu và có giải pháp xử lý.

Song, ông cũng lạc quan khi cho rằng, chúng ta có ba năm chịu tác động của dịch Covid-19, điều đó đã giúp chúng ta rút ra được một số bài học cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong cách ứng phó biến động thị trường, trong tình hình chung của thế giới… Vì thế, với kinh nghiệm, bài học ứng phó đã có trong thời gian qua, cách chúng ta ứng phó sẽ linh hoạt hơn. Đây cũng được xem là điểm tích cực.

Khuyến nghị nào cho doanh nghiệp?

“Với những tác động mới kể trên, tôi cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp phải nhìn lại, để thúc đẩy tái cơ cấu, bên cạnh việc gia tăng số lượng, chú trọng chất lượng, cũng như chú trọng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường phát sinh trong thời gian tới”, ông Hải bày tỏ.

Những giải pháp được Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra cho năm tới là chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công thương cũng chỉ đạo khai thác hiệu quả thị trường trong nước 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng…

Chuyên gia ADB cũng lưu ý, Việt Nam phải quan tâm đến thị trường trong nước. Với nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, việc chuyển đổi dần sang thị trường trong nước để dẫn dắt tăng trưởng là rất quan trọng. Quốc gia 100 triệu dân, có mức thu nhập trung bình, thì vấn đề thị trường trong nước ngày càng quan trọng, định hướng cho toàn bộ các lĩnh vực khác của Việt Nam.